Thứ trưởng Giao thông, hai Thứ trưởng Tài chính, bị cho là ký nhiều văn bản sai quy định trong quá trình Út "Trọc" mua được quyền thu phí cao tốc Trung Lương.
Trong cáo trạng truy tố cựu bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, 60 tuổi; cựu thứ trưởng
Nguyễn Hồng Trường và 15 bị can khác về hành vi sai phạm tại dự án Cao tốc TP HCM - Trung Lương, VKSND Tối cao cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm của lãnh đạo đương nhiệm Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Tài chính. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không xử lý hình sự, mà kiến nghị kỷ luật về Đảng và chính quyền đối với những cá nhân có liên quan.
Đối với Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, cáo trạng xác định, từ năm 2013 đến tháng 10/2015, ông là Thứ trưởng, được phân công quản lý Nhà nước đối với Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Dương Tuấn Minh là Tổng giám đốc, được Bộ GTVT giao thực hiện dự án). Tuy nhiên, ông Thể không được giao phụ trách thực hiện, quản lý Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Đinh Ngọc Hệ trong lần ra tòa năm 2018. Ảnh: TTXVN.
Từ tháng 6/2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng mới giao ông Thể chỉ đạo, đôn đốc Công ty Yên Khánh của
Đinh Ngọc Hệ (49 tuổi, tức Út "Trọc", nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc Phòng) thực hiện Hợp đồng mua bán quyền thu phí. Khi nhận được văn bản Tổng Công ty Cửu Long đề nghị chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với Công ty Yên Khánh, ông Thể đã ký tờ trình báo cáo và đề xuất ông Thăng.
Hôm sau, ông Thăng ghi ý kiến chỉ đạo phía trên, góc trái của tờ trình: Đề nghị anh Thể chỉ đạo giải quyết theo đúng hợp đồng của hai bên đã ký và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên cũng cần làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước, Tổng Công ty Cửu Long.
Tiếp nhận chỉ đạo, ông Thể ghi ý kiến tiếp theo dưới bút phê của ông Đinh La Thăng là: Gấp, yêu cầu Tổng Công ty Cửu Long, Vụ Tài chính, Pháp chế... làm việc lại với Công ty Yên Khánh thảo luận từng vấn đề cụ thể, có kết luận rõ ràng, dứt khoát... và phải nộp thêm 500 tỷ đồng như cam kết trong tháng 6/2015. Tuy nhiên, Công ty Yên Khánh vẫn không nộp tiền như cam kết và vẫn không bị chấm dứt hợp đồng.
Đến tháng 10/2015, ông Thể được điều động về làm Bí thư tỉnh Sóc Trăng. Một năm rưỡi sau, tháng 3/2017, Công ty Yên Khánh mới nộp đủ tiền.
Cáo trạng cho rằng, liên quan đến nội dung sai phạm trong việc quản lý Hợp đồng bản quyền thu phí, tài liệu điều tra đã xác định trách nhiệm chính thuộc về ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường. Sai phạm này xuyên suốt từ khi lập đề án, tổ chức bán đấu giá đến thực hiện chuyển giao quyền thu phí.
"Việc không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng với Công ty Yên Khánh có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Thể, nhưng không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả thiệt hại trong vụ án", cáo trạng xác định và cho rằng không đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Thể.
Đối với một số lãnh đạo của Bộ GTVT lúc đó như ông Hồ Hữu Hoà (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT), Nguyễn Xuân Cường (Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam), cáo trạng cho rằng họ không nhận được báo cáo của Tổ thường trực giúp việc về việc đánh giá hồ sơ năng lực của Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An. Hai ông này cũng không được Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá mời họp để đánh giá hồ sơ (khống) của hai công ty. Việc ông Hoà ký vào biên bản bán đấu giá chỉ mang hình thức thủ tục theo Quy chế bán đấu giá quyền thu phí đã được phê duyệt.
Ông Đinh La Thăng trong lần ra tòa tại Hà Nội năm 2018. Ảnh: TTXVN.
VKSND Tối cao cũng xác định, quá trình tham gia xây dựng Đề án bán quyền thu phí, Bộ Tài chính đã ra 3 văn bản gửi Bộ GTVT. Trong đó, ngày 15/4/2013, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh ký văn bản với nội dung: Đồng ý, thống nhất với Bộ GTVT chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương trong 5 năm.
Đến gày 29/7/2013, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí cũng ký văn bản: ... đề nghị Bộ GTVT quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá quyền thu phí; thành lập hội đồng bán đấu giá hoặc thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương theo quy định.
Ông Chí cũng ký văn bản khác có nội dung đề nghị Bộ GTVT làm chủ tịch hội đồng bán đấu giá, và hướng dẫn Bộ GTVT: Trường hợp chỉ có một người đăng ký mua tài sản và có văn bản trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm, hội đồng xem xét quyết định việc bán chỉ định theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 20 Nghị Định 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ. Việc này bị cho là không phù hợp với một số nghị định khác.
Tuy nhiên, cáo trạng cho rằng, khi hết thời hạn vẫn có 2 đơn vị đăng ký, nhưng bị can Dương Minh Tuấn ký giấy mời mỗi Công ty Yên Khánh, và tổ chức bán đấu giá theo hình thức chỉ định, không báo cáo xin ý kiến Bộ Tài chính.
Nghĩ nó chán cho cái ngành giao thông.
Lão Đại
Ủy ban kiểm tra cùng các đoàn thanh tra cần tăng cường hơn nữa trong việc kiểm tra, giám sát các công trình giao thông. Hiện nay vẫn còn đó những công trình giao thông gây bức xúc về chất lượng cũng như về tiến độ thi hành. Giao thông là lĩnh vực xương sống thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội chính vì vậy cần phải loại bỏ những tên tham quan vì lợi ích bản thân gây ảnh hưởng tới tập thể tới xã hội.
Trả lờiXóaNhững con sâu đục thân càng được loại bỏ thì càng tốt cho xã hội. Giao thông vận tải là ngành đặc biệt quan trọng, là ngành đi đầu mở đường cho sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực khác chính vì vậy đòi hỏi cán bộ trong ngành này phải hết sức liêm chính, vì đất nước, vì nhân dân, tránh việc tư lợi cá nhân, lũng đoạt công trình. Nhìn cái đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông mà ngẫm không biết khi nào ngành giao thông mới phát triển được.
Trả lờiXóa