Viễn
Mới đây, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã có bài viết tựa đề “Truyền thông xã hội đối với sự ổn định chính trị, xã hội tại Việt Nam” trong đó đề cập tới nhiều vấn đề về mạng xã hội. Nhân bài viết này, Viễn có mạch bài viết dài kì bàn về vấn đề này để làm chi tiết hơn các ý trong bài viết của anh Thưởng.
Loạt bài đầu tiên của Viễn có tựa đề: Vai trò của truyền thông xã hội trong các biến động chính trị trên thế giới.
Loạt bài này để làm rõ thêm ý đầu trong bài viết của anh Thưởng nói về vai trò của truyền thông xã hội.
Anh Thưởng viết:
“Nhìn lại các cuộc “cách mạng màu” hay các cuộc biểu tình bạo động mang hơi hướng của “cách mạng màu” được hiện đại hóa trong mấy thập niên gần đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, chính truyền thông xã hội đã châm ngòi, thổi bùng bằng kích động, tổ chức và thông tin, khiến ban đầu là các phong trào đường phố, đi đến bạo động và hệ quả là sự suy yếu nhanh chóng của các chế độ như ở Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latinh (1). Truyền thông xã hội, tin giả đã trở thành từ khóa làm nhiều người liên tưởng tới những cuộc xuống đường bạo động khiến cả châu Âu và thế giới đứng ngồi không yên suốt thời gian qua. Ngay tại Mỹ, sau những cuộc biểu tình chiếm phố Wall (năm 2011), giới chính trị gia đã chỉ trích đích danh Facebook, Twitter là “công cụ của bạo loạn”. Báo chí phương Tây cũng đúc rút phương thức dùng truyền thông xã hội tạo nên những “đám đông” kích động, đó là: châm ngòi xuống đường; triệt để lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ bạo loạn; sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội để kích động và liên kết trong, ngoài (2).
Viễn chứng minh nhận định trên bằng biến động chính trị diễn ra tại các nước Bắc Phi và Trung Đông có tên “cách mạng mùa xuân Ả rập”
Từ giữa tháng 12/2010, nhiều nước vùng Bắc Phi và Trung Đông, gọi tắt là MENA (Middle East – North Africa) liên tiếp xảy ra các cuộc biểu tình, thậm chí là bạo loạn khiến chính phủ một số nước tê liệt, nhiều vị tổng thống phải tuyên bố từ chức hoặc bị lật đổ như tổng thống Tunisia Ben Ali; tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, tổng thống Lybia Gadhafi… Một số quốc gia khác, dù những người cầm đầu chính phủ chưa bị lật đổ nhưng tình hình cũng rơi vào “hỗn loạn” với các cuộc biểu tình, bạo loạn như Yemen, Algria, Bahrain, Sudan, Kuwait, Oman… Trong các biến động chính trị đó, vai trò của mạng xã hội rất nổi bật.
Tác giả Philip N. Howard & Muzammil. M.Hussain, trong bài viết “The Upheavals in Egypt and Tunisia: The Role of Digital Media” đã khẳng định: “Có rất nhiều cách để kể về câu chuyện thay đổi chính trị này. Nhưng một trong những cách tường thuật nhất quán nhất của các nhà lãnh đạo xã hội dân sự ở các nước Ả rập đó là lần này, chính Internet, điện thoại di động, các phương tiện truyền thông xã hội dân sự như Facebook hay Twitter đã tạo nên sự khác biệt. Với việc sử dụng những công nghệ này, những người quan tâm tới chế độ dân chủ có thể xây dựng được những mạng lưới rộng khắp, tạo ra vốn xã hội, và tổ chức những hoạt động chính trị với một quy mô chưa từng thấy trước đó. Nhờ có những công nghệ này, những mạng lưới ảo đã trở thành thực trên đường phố. Truyền thông kỹ thuật số trở thành công cụ cho phép các phong trào xã hội đạt được những thành quả chưa từng có…”
Mạng xã hội, đặc biệt là Facebook đã đóng vai trò làm nền tảng và kênh trung gian cho các cuộc biểu tình, là nhân tố giúp di động hóa phong trào “Mùa xuân Ả rập” ở các nước Bắc Phi và Trung Đông. Thống kê cho thấy, trong thời gian diễn ra “mùa xuân Ả rập”, lượng người sử dụng Facebook ở khu vực tăng lên nhanh chóng. Tính chung, số người sử dụng Facebook của khu vực này tăng 30% lên mức 27,7 triệu người, so với mức tăng 18% cùng kì năm 2010. So với con số 14,8% triệu người dùng năm 2010 thì số người dùng năm 2011 đã tăng gần như gấp đôi.
Lượng người dùng mạng xã hội ở Bahrain tăng 15% trong ba tháng đầu tiên của năm 2011, so với mức tăng 6% cùng kì năm 2010. Ở Ai Cập là 29% so với mức tăng 12% cùng kì năm 2010. Ở Tunisia các số liệu lần lượt là 17% và 10%.
Trong các cuộc biểu tình ở Tunisia và Ai Cập, phần lớn trong số hơn 200 người được hỏi cho biết họ lấy thông tin từ các các mạng xã hội như Facebook hay Twitter (88% ở Ai Cập và 94% ở Tunisia). Con số này vượt quá con số sử dụng các phương tiện truyền thông địa phương không thuộc quản lý của chính phủ (63% ở Ai Cập và 86% ở Tunisia) và truyền thông nước ngoài (57% ở Ai Cập và 46% ở Tunisia).
Trên trang mạng xã hội Twitter, hashtag “Egypt” (Ai Cập) có 1,4 triệu lượt mention trong ba tháng đầu năm 2011. Những hashtag khác như “Jan25” có 1,2 triệu lượt mention, “Libya” có 990,000 lượt, “Bahrain” có 640,000 lượt, và “protest” (biểu tình) có 620,000 lượt. Lượng tweet gia tăng đột biến tại các thời điểm quyết định của các cuộc nổi dậy. Ở Tunisia, lượng tweet tăng đột biến vào ngày 14/01, ngày bắt đầu các cuộc biểu tình. Ở Ai Cập là vào ngày 11/02 khi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức. Ở Bahrain là sau khi biểu tình bắt đầu nổ ra vào ngày 14/02.
Trong các tuần trước khi tổng thống Hosni Mubarak từ chức, số lượng tweet về thay đổi chính trị ở Ai Cập đã tăng lên gấp mười lần. Các video chia sẻ hình ảnh về các vụ biểu tình và các bài phân tích lan truyền rộng rãi, trong đó có 23 video được xem nhiều nhất đều đạt con số gần 5,5 triệu lượt xem. Số lượng các trang Facebook được lập mới của các nhóm đối lập cũng tăng đáng kể. Chỉ tính riêng hai tuần trước khi Hosni Mubarak từ chức, trung bình một ngày có đến 2400 tweet từ các nước láng giềng cập nhật tình hình chính trị ở đây, Ở Tunisia, con số này là 2200 tweet một ngày.
Wael Ghonim, một trong những ‘thủ lĩnh” của phong trào biểu tình tại Ai Cập khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình CBS của Mỹ đã nói: “Nếu không có mạng xã hội, nó (tức các cuộc biểu tình) sẽ không bao giờ được châm ngòi… Không có facebook, không có Twitter, không có Google, không có Youtube, cuộc cách mạng này sẽ không bao giờ xảy ra”. Còn khi trả lời phỏng vấn đài CNN của Mỹ ngày 12/2/2011, Ghonim khẳng định “Chắc chắn đây là cuộc cách mạng Internet. Tôi gọi nó là cuộc cách mạng 2.0”.
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát đã đánh giá về vai trò của truyền thông và mạng xã hội trong các biến động ở Bắc Phi và Trung Đông như sau: “Thực tế là trong các diễn biến chính trị tại Tunisia, Ai Cập và một số nước Bắc Phi-Trung Đông vừa qua, các mạng xã hội đã góp phần làm cho thông tin lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp. Nhờ các mạng xã hội nên những người có thể điều phối hành động với nhau rất kịp thời, không những giữa các vùng miền trong một nước mà còn cả xuyên cả biên giới. Việc giao tiếp qua Facebook hoặc twitter tạo cho những người tham gia mạng trực tuyến có cảm giác cùng cảnh ngộ; việc đưa ảnh và videoclip lên mạng giúp tạo ra cho tất cả mọi người đang trực tuyến cảm giác xác thực của sự kiện sôi động. Chính vì vậy, đã có sự hòa đồng, ủng hộ nhau rầm rộ, đồng thời hàng trăm triệu người ở các nước khác nhau cũng nhanh chóng nắm được thông tin về sự kiện và họ đòi Chính phủ nước mình lên tiếng, ủng hộ những người nổi dậy ở nước khác. Người ta đã so sánh: vào đầu những năm 2000, “cách mạng màu” ở một số nước thuộc Liên Xô lan ra trong thời gian hàng tháng trời, nhưng tại Bắc Phi-Trung Đông, các sự kiện vừa qua diễn biến rất nhanh và đưa đến những kết quả rất chóng vánh”
Rõ ràng, có thể kết luận, nếu không có mạng xã hội, không có phong trào mùa xuân Ả rập ở Bắc Phi và Trung Đông. Trong các biến động chính trị khác như biểu tình Hồng Kông hay biểu tình Áo khoác vàng tại Pháp, vai trò của truyền thông xã hội cũng hết sức nổi bật, Viễn sẽ đề cập chi tiết ở các bài viết sau: