Viễn
Ngày 24/4/2018 vừa qua, tại Nghệ An đã diễn ra phiên tòa xét xử phúc thẩm Hoàng Đức Bình về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” và “Chống người thi hành công vụ”. Kết thúc phiên tòa, Hoàng Đức Bình bị tuyên giữ nguyên mức án sơ thẩm, tức 14 năm tù giam cho cả hai hành vi trên.
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra sau khi bị tuyên án ở phiên tòa sơ thẩm, Hoàng Đức Bình có đơn xin kháng cáo.
Vậy tại sao Hoàng Đức Bình lại bị tuyên y án sơ thẩm.
Trước hết cần tóm tắt lại các hành vi vi phạm pháp luật chính của Hoàng Đức Bình.
Trong thời gian sinh sống, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình đã tham gia một số tổ chức, hội, nhóm chống đối chính quyền như “NoU Sài Gòn”, “Phong trào Lao động Việt”.
Ngày 25/12/2015, Hoàng Đức Bình tiến hành rải tờ rơi tại thành phố Hồ Chí Minh và bị Công an bắt tạm giữ 24 tiếng, để điều tra hành vi rải tờ rơi lôi kéo người tham gia “Nghiệp đoàn độc lập”; bị phạt vi phạm hành chính 24.000.000 đồng về hành vi vi phạm quy định về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm và sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm (Điều 27, Nghị định 159/NĐ-2013 ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản), nhưng đối tượng Bình không nộp phạt, trốn về Nghệ An.
Sau khi trở về Nghệ An, Hoàng Đức Bình thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên Facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ, cổ vũ phong trào đa nguyên, đa đảng.
Đặc biệt, lợi dụng sự cố môi trường biển miền Trung, với tư cách Phó chủ tịch “Phong trào Lao động Việt”, Hoàng Đức Bình đã tiến hành nhiều hoạt động xâm phạm an ninh trật tự như thành lập tổ chức chống chính quyền, kích động tổ chức biểu tình gây rối an ninh trật tự.
Sáng 14/2/2017, Hoàng Đức Bình cùng hàng trăm người xuất phát từ Giáo xứ Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, đi vào Kỳ Anh (Hà Tĩnh) dưới danh nghĩa khiếu kiện Công ty Formosa. Đoàn người đem theo băng rôn, khẩu hiệu và đi bằng nhiều phương tiện, đi thành hàng 3, hàng 4 gây mất trật tự an toàn giao thông. Khi lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức phân luồng, ổn định trật tự, Hoàng Đức Bình ngồi trên xe ô tô đã xúi giục tài xế đóng cửa ô tô, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông. Xe ô tô này sau đó dừng ngay trên Quốc lộ 1A, gây ách tắc nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 1A kéo dài hàng km. Quá trình đi cùng đoàn người và cả khi ngồi trên xe ô tô, Bình thường xuyên sử dụng điện thoại di động quay và phát trực tiếp các video và lời bình luận lên trang Facebook cá nhân do mình lập ra để vu khống, xuyên tạc sự thật, bôi nhọ các lực lượng chức năng, nhằm tuyên truyền chống Nhà nước.
Những hành vi chống phá, vi phạm pháp luật của Hoàng Đức Bình là rất rõ ràng với tính chất hết sức nguy hiểm. Chính vì thế tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định bị cáo Hoàng Đức Bình nhận thức rõ việc chống người thi hành công vụ và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm công dân, nhưng Bình vẫn quyết tâm thực hiện, thể hiện ý thức coi thường pháp luật.
Hành vi của Hoàng Đức Bình là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức của Nhà nước về quản lý hành chính, gây bất bình trong quần chúng nhân dân. Vì vậy phải áp dụng hình phạt nghiêm minh tương ứng với tính chất phạm tội, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Mặt khác, xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hoàng Đức Bình không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nào.
Vì lẽ đó, việc Hoàng Đức Bình bị tuyên y án sơ thẩm với 14 năm tù giam cho cả hai hành vi là hoàn toàn hợp lý.
Kết thúc phiên tòa, những giọt nước mắt của Hoàng Đức Bình đã rơi nhưng đã quá muộn. Hi vọng những ngày tháng trong tù sẽ giúp Bình nhận thức rõ được những lỗi lầm của mình.