Viễn
Theo thông tin nắm được thì Bộ chính trị đang soạn thảo qui định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Dù toàn văn của bản quy định chưa được thông báo chính thức nhưng tinh thần trong văn bản này có một số tiêu chuẩn mà Bộ Chính trị đưa ra đối với các cán bộ đảng viên cấp cao như:
Cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý "phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".
"Sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư".
"Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt."
"Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", ''tự chuyển hóa" trong nội bộ."
"Tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi."
Dù chưa thể tiếp cận toàn văn quy định nhưng những thông tin bên lề trên cũng đã khiến cho nhiều người dân Việt cảm thấy vui mừng, phấn khởi.
Phấn khởi vì việc Bộ Chính trị đề ra quy định này tiếp tục là một động thái thể hiện quyết tâm cao độ của Đảng trong công cuộc chống suy thoái, chống tham nhũng tiêu cực, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Phấn khởi bởi những quy định này là sự cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, việc thực hiện nghiêm qui định trên sẽ góp phần củng cố sức mạnh của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Phấn khởi bởi những quy định trên như là bộ khung, sẽ giúp chấn chỉnh những cán bộ đảng viên đang có biểu hiện suy thoái và ngăn ngừa tình trạng suy thoái ở các đảng viên khác. Điều này sẽ củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng, với chế độ, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân.
Tuy nhiên bên cạnh những phấn khởi cũng không phải không có những sự băn khoăn.
Làm thế nào để cán bộ không tham nhũng, vụ lợi?
Tham nhũng như một căn bệnh rất dễ phát sinh với những người có quyền lực trong tay. Để cán bộ không tham nhũng, thiết nghĩ phải để họ không cần và đặc biệt là không dám tham nhũng. Theo thiển ý cá nhân, ngoài việc điều chỉnh chế độ, chính sách, vấn đề quan trọng là phải xử lý thật nghiêm minh cán bộ tham nhũng, ngoài xử lí về Đảng, về chính quyền, cần tịch thu hết tài sản tham nhũng và xử lý nặng về pháp luật hình sự, thậm chí tử hình một vài trường hợp để làm gương và đủ sức răn đe.
Làm thế nào để cán bộ không tham vọng quyền lực?
Cái này cũng rất khó. Phàm là người ai cũng có chút tham, sân, si. Khi anh đã có chút quyền lực, không bao giờ anh thỏa mãn mà lại muốn có quyền lực cao hơn. Vậy thì vấn đề mấu chốt là ở chỗ Đảng phải có cơ chế hiệu quả kiểm soát quyền lực. Sẽ rất khó để bảo rằng qua giáo dục khuyên răn đảng viên hãy thôi không tham vọng quyền lực. Quan trọng nhất là làm sao có cơ chế để anh có muốn tham vọng cũng không được. Người cán bộ phải hiểu được rằng quyền lực đó là nhân dân trao quyền chứ bản thân anh không có quyền lực. Phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả hơn nữa.
Làm thế nào để người thân quen của cán bộ không lơi dụng chức vụ, quyền hạn trục lợi?
Vẫn phải là bài toán xử lí nghiêm minh để làm gương. Ủy ban kiểm tra Trung ương hãy mạnh tạy hơn nữa, làm quyết liệt hơn nữa. Tất cả các trường hợp phát hiện có đơn thư tố giác, khiếu nại, tố cáo về việc để cho người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn trục lợi đều phải được xác minh và xử lý nghiêm minh, sẵn sàng cho cách chức, buộc thôi việc. Lúc đó, chắc hẳn sẽ hạn chế được vấn đề này.
Bộ chính trị đã chỉ rất trúng vấn đề, nhưng mấu chốt nhất vẫn là hành động, hành động quyết liệt và nghiêm minh thì chắc hẳn mọi việc sẽ theo đúng quĩ đạo.