Viễn
Liên quan tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII bàn luận những vấn đề hệ trọng của đất nước, đặc biệt là bài tham luận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh, có vẻ như các nhà “dân chủ” trong và ngoài nước đang nhảy cẫng lên sung sướng khi cho rằng Cộng sản Việt Nam sắp lột xác, sắp đa nguyên đa đảng, sắp thay đổi chế độ chính trị và đây là cơ hội cho giới “dân chủ” cùng các ông chủ của mình dấn tới tác động khiến Việt Nam chuyển hóa, sụp đổ, giành “chiến thắng mà không cần chiến tranh”.
Lý do mà các nhà “dân chủ” nhảy cẫng lên cùng vô vàn các suy nghĩ viển vông, ảo vọng đó là vì trong bài phát biểu này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kêu gọi phải đổi mới mạnh mẽ hơn về chính trị nhằm thích ứng với những đổi thay về kinh tế.
Trước hết cần nhắc lại những ý kiến của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Ông cho rằng, trong 30 năm qua, việc đổi mới về kinh tế của Việt Nam đã thành công, đưa lại nhiều đổi thay cho đất nước. Tuy nhiên, theo ông những thay đổi về chính trị dường như chưa theo kịp sự thay đổi, đổi mới về kinh tế.
Ông nói:
"Tuy vậy, 70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị gần như không thay đổi.
"Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay đã không còn phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường, thậm chí là rào cản, trở ngại cho sự phát triển.
"Đảng là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, cần chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại chính mình và thực hiện nghiêm chỉnh những nghị quyết mà Đại hội Đảng toàn quốc đã xác định.
"Kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động có hiệu quả hơn, thực chất hơn. Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo."
Thật ra, những ý kiến của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh không phải muốn nói rằng, lâu nay Việt Nam không đổi mới về chính trị mà là những sự thay đổi đó là hơi chậm, chưa tương xứng và chưa phù hợp với tốc độ đổi mới về chính trị. Nay bối cảnh tình hình đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi sự đổi mới về chính trị phải mạnh mẽ hơn, phù hợp hơn, tương xứng với sự đổi mới về kinh tế.
Quan điểm của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã từng được xác định trong nhiều Nghị quyết của Đảng. Nay Bộ trưởng Vinh khẳng định lại và nhấn mạnh yêu cầu bức thiết trong giai đoạn mới.
Không hiểu sao, các nhà “dân chủ” lại suy diễn nặng nề về quan điểm này của Bộ trưởng Vinh. Cho rằng đổi mới chính trị tại Việt Nam là phải đa nguyên, đa đảng, phải thay đổi chế độ chính trị, từ bỏ ý thức hệ là chủ nghĩa Mác – Lê nin…
Rõ ràng, các nhà “dân chủ” đang lợi dụng vào yêu cầu đổi mới của Việt Nam để nuôi ảo vọng rằng sẽ thay đổi được chế độ chính trị tại Việt Nam.
Tất nhiên, đó chỉ là ảo vọng bởi ai cũng biết rằng đổi mới chính trị không phải là từ bỏ các vấn đề cốt tử của cách mạng XHCN, là từ bỏ ý thức hệ, là đa nguyên, đa đảng. Đổi mới chính trị phải có nguyên tắc của nó. Bài học từ sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu vẫn còn nóng hổi khi chính những người Cộng sản cầm quyền ở đây, do sự tác động phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch đã nhân danh đổi mới chính trị để phá hoại Đảng, từ bỏ những nguyên lý có tính chất sống còn của học thuyết Mác – Lê nin, dẫn tới sự sụp đổ của chế độ XHCN.
Qua đây, cần khẳng định lại một lần nữa rằng chúng ta cần đổi mới về chính trị nhưng phải có nguyên tắc và cần hết sức cảnh giác với âm mưu, hoạt động của các tổ chức, cá nhân thù địch nhân danh, lợi dụng đổi mới để tác đông, chuyển hóa chế độ chính trị tại Việt Nam hòng thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối.