Mấy bữa nay, chuyện cây xanh Hà Nội trở thành đề tài nóng. Dân chúng, nhất là cư dân mạng nhất quyết rằng chính quyền Hà Nội đối xử vô cảm với cây xanh, không tôn trọng dân chúng, có biểu hiện tiêu cực khi tiến hành chặt hạ hàng loạt cây xanh ở Thủ Đô. Một bộ phận dân chúng nhân chuyện này đã "sáng tạo" ra những hình thức "biểu tình cây" như dương biểu ngữ, cúng tế cây xanh, dán nơ xanh, nơ vàng gốc cây... Chính quyền thì ra sức giải thích rằng chủ trương chặt hạ, thay thế, chỉnh trang cây xanh là đúng, chỉ có việc tổ chức thực hiện là chưa tốt nên đã gây nên hiểu lầm, phản ứng tiêu cực. Vì vậy nên phải dừng lại để tổ chức lại cho tốt hơn. Xem ra chưa ai chịu ai.
Liệu có cách nhìn khách quan nào không để hòa giải xung đột này?
Gác lại những cố chấp của cả hai bên để nhìn nhận lại vấn đề phát triển cây xanh đô thị thì thấy rằng, lịch sử tạo dựng, bảo tồn, phát triển cây xanh Hà Nội suốt từ ngày giải phóng Thủ Đô đến nay cũng có những thăng trầm của nó. Và vì vậy không thể không có động thái gì để chỉnh trang lại cho tốt đẹp hơn.
Cây xanh công cộng ở Hà Nội có mấy giai đoạn tạo dựng, phát triển:
Bỏ qua thời phong kiến, thời Pháp cây xanh được chọn là những cây to tán rộng, bóng mát, lâu năm như sao, nhội, sấu, xà cừ. Thống kê năm 1954 cho thấy, Hà Nội có diện tích 152,2km2 (nội thành là 12,2 km2, ngoại thành là 140 km2), dân số lúc đó là 436.624 người. Tổng số cây xanh bóng mát được trồng theo quy hoạch và chăm sóc quy chuẩn là hơn 16.000 cây. Phần lớn cây trồng có quy hoạch, được trồng trên các tuyến phố có vỉa hè rộng, có nơi trồng đến hai hàng trên cùng một vỉa hè tạo những hành lang cây đẹp và mát.
Sang thời đầu hòa bình xây dựng XHCN, với ý tưởng những đường phố hoa đua nở, phố xá được trồng nhiều cây có hoa như bằng lăng, phượng, muồng, móng bò v.v. Một phần vì cho rằng hoa làm tăng độ rực rỡ của đô thị, phần nữa vì những cây này tầm trung, phù hợp hơn với những đường phố nhỏ, vỉa hè hẹp. Thời gian này với hệ thống công viên mới xây như: Thống Nhất, Thủ Lệ, Thành Công, Tuổi Trẻ… cộng thêm cây mới trồng trên dải phân cách đường Kim Mã, Đội Cấn, Giảng Võ, Giải Phóng, Đại Cồ Việt... sau hơn 40 năm, số cây xanh Hà Nội tăng hơn 13 lần.
Thập kỷ 1990: thời đổi mới, mở cửa, các dự án đô thị mọc ra khắp nơi. Cùng thời gian này, nhà ở dân tự xây tăng thêm cả triệu m2, bằng tổng số diện tích nhà ở do nhà nước xây dựng trong suốt 10 năm trước đó. Tuy nhiên, hầu như chẳng có quy hoạch nào cho cây xanh, người dân chỉ cốt trồng làm sao phủ xanh càng nhanh càng tốt, phổ biến là các loài ít giá trị, cắm cành cũng sống, lớn nhanh như vông, bông gòn, trứng cá, dâu da xoan. Những cây này chỉ trong vòng 3-4 năm là tốt um, nhưng sau đó thì sẽ có vấn đề.
Từ sau 1991 tổng số cây xanh trồng tăng mỗi năm gấp 5-7 lần (18.000-24.000 cây/ năm?). Đó là kết quả của việc bung ra đô thị hóa mạnh mẽ. Tuy phát triển nhanh như vậy nhưng diện tích cây xanh cũng mới đạt 2,3m2/ người. So với tiêu chuẩn đô thị cùng loại là 4-5m2/ người thì mới đạt một nửa. Năm 1999, nội thành thêm 5 quận mới, nhà cửa đường sá tăng, người đông hơn nhưng bình quân cây xanh cứ giảm dần. Đến năm 2006, cây xanh 9 quận nội thành chỉ đạt 0,9m2/người. Chỉ bằng 1/10 hay 1/20, 1/30 những TP tiên tiến trên thế giới (Trong so sánh Tokyo: 7,5m2; London 26,9m2; Berlin 27,4m2; New York 29,3m2; Moskva 24m2….).
Cùng với đó, do phát triển tự phát, thiếu quy hoạch nên diện cây không phù hợp với đô thị, cây dễ ngã đỗ trong mùa bão rất nhiều. Cứ tháng 8 là mùa mưa bão, Hà Nội rộn ràng chặt bỏ cây mục hay xén cành, riêng năm 1997, Cty cây xanh phải chặt bỏ 635 cây, xén cành tới 5.000 cây.
Cơ quan chức năng của công ty Công viên cây xanh đã làm một khảo sát, thống kê cho thấy, Hà Nội có tổng số hơn 200.000 cây xanh thì có đến 46 giống loài. Có 44% cây có đường kính lớn hơn 0,5m, tuổi thọ khoảng 60 năm, có hơn 5.000 cây xà cừ cao to, tán lá xum xuê nhưng dễ hư hại. Riêng trận bão năm 1979 có 500 cây bị đổ thì xà cừ có 286 cây.
Gần đây, một phần do tốc độ đô thị hóa hơi chững lại, phần vì nhìn thấy hậu quả của việc trồng cây ăn xổi, có nhiều loại cây tự phát không theo quy hoạch như keo, dâu da, vông, dướng, trứng cá, bạch đàn, sung... các loài cây gỗ nhỏ, rễ nông, dễ gãy đổ khi gặp mưa gió, cây có quả gây mất vệ sinh môi trường, có nhiều sâu, cong xấu, chiều cao thấp che khuất tầm nhìn, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông cần thay thế. Hà Nội lại quay về trồng các loài gỗ lớn như sao, dầu, lát, vàng tâm.
Những ai đã sống lâu năm ở Hà Nội đều thấy một hiện trạng đường phố có quá nhiều cây trồng luôm nhuôm, không mỹ quan, vô giá trị. Nó chỉ như những giá đỡ cho dây điện các loại chằng chịt. Những hàng xà cừ cổ thụ râm mát thì rễ nổi phá đường, phá công trình ngầm, dễ đổ. Việc chặt cây trồng lại ở Hà Nội nằm trong logic này.
Việc chặt vài nghìn cây cũng không phải mất mát quá lớn, không hẳn là hàng nghìn cây cổ thụ như báo nói. Tuy nhiên, cần phải nói rằng mặc dù mấy nghìn cây này không nhiều giá trị, nhưng đồng loạt thay thế và khả năng những cây mới trồng tốt hơn thì gần như chưa nhìn thấy, vì thế khiến người ta xót xa, bực bội.
Đô thị ngày một phát triển theo hướng nhiều nhà cao tầng hơn, công trình ngầm nhiều hơn, các loài cây không còn đủ không gian cho bộ rễ và cho cành lá. Vậy nên người ta chọn cây rễ cọc, tán không lớn lắm, có sức chịu gió bão làm cây trồng đường phố. Khác với đô thị thời thời Pháp, mật độ xây dựng rất thấp, diện tích vĩa hè lớn, phần đất dành cho rễ cây lớn, khoảng không cho cây mọc nhiều, vì vậy có thể trồng cây to, lâu năm như cây rừng. Tuy vậy, người Pháp vẫn ít lựa chọn cây xà cừ cho các tuyến phố.
Từ năm 2013, Hà Nội mới lập Kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước đến năm 2015. Dự kiến 2014-2016, trồng thay thế là 2.208 cây và trồng mới 4.500 cây cho 477 tuyến phố tại 9 quận với gần 18 tỷ đồng kinh phí. Thế nhưng, để đảm bảo an toàn cho mùa mưa bão, thành phố phải chi cắt tỉa gần 11.000 cây xanh đã 35 tỷ. Trong đó, ưu tiên 30 tỷ cho cắt ngọn tỉa cành hơn 5.000 cây xà cừ. Vậy nên phải quy hoạch lại cây xanh là việc nên làm.
Muốn lập quy hoạch cây xanh thì cần có hồ sơ hiện trạng, TP đầu tư vài tỷ đồng để đánh mã số 44.225 cây làm cơ sở xây dựng phần mềm quản lý hệ thống cây xanh đô thị, tăng cường quản lý, bảo vệ và chăm sóc cây xanh là cần thiết.
Nên hiểu rằng, việc trồng cây xanh được coi như một phần của kỹ thuật hạ tầng, và giá thành không hề thấp. Với tư duy ăn xổi ở thì, chỉ cần khoét cái lỗ xuống vỉa hè, đổ ít đất mùn mà đòi trồng cây đường phố thì quả là duy tâm! Không những cây khó sống được, mà khi đổ còn gây ảnh hưởng, thiệt hại lớn tới hạ tầng..
Cây trồng đường phố ngoài giá trị môi trường còn giá trị thẩm mỹ. Có loại trồng cả phố một loài sẽ tạo ra cảnh quan hoành tráng, nên thơ của các đại lộ cây xanh. Quyết định số 01/2006/QĐ-BXD, ngày 05 tháng 01 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ xây dựng, ban hành cùng tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 362: 2005 về cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị quy định rõ:
Các loại cây trồng phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Cây phải chịu được gió, bụi, sâu bệnh.
- Cây thân đẹp, dáng đẹp.
- Cây có rễ ăn sâu, không có rễ nổi.
- Cây lá xanh quanh năm, không rụng lá trơ cành hoặc cây có giai đoạn rụng lá trơ cành vào mùa đông nhưng dáng đẹp, màu đẹp và có tỷ lệ thấp.
- Không có quả thịt gây hấp dẫn ruồi muỗi.
- Cây không có gai sắc nhọn, hoa quả mùi khó chịu.
- Có bố cục phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Soi chiếu những tiêu chí này vào cơ cấu cây xanh Hà Nội thì còn nhiều nữa cây xanh cần thay thế chứ không phải chỉ 6.700 như hiện tại.
Theo những người có trách nhiệm thì, một số loại cây được công ty cây xanh Hà Nội lựa chọn trồng trên đường phố là: cheo, sưa, sữa, phượng, sao đen, lát hoa, bằng lăng tím, long não, sấu, tếch, nhội, me ...
Hy vọng có sự tham gia ý kiến chân tình, có kiến thức chuyên môn của các chuyên gia sẽ giúp thành phố có phương án phát triển cây xanh đô thị phù hợp hơn, đẹp hơn. Còn chúng ta, những công dân Thủ Đô cũng nên bình tĩnh, khách quan trong phán xét và góp ý cho bảo tồn, phát triển cây xanh Thủ Đô ngày một đẹp hơn. Đừng phiến diện.
Theo Mõ làng
Chính sách của thành ủy Hà Nội đúng là rất tốt. Vì bộ mặt thủ đô của một nước, vì vẻ đẹp trong tương lai, đề án thay thế 6700 cây xanh mục, rỗng, không đảm bảo chất lượng là việc làm hết sức cần thiết làm nhưng việc thực hiện đề án này trong thời gian gần đây thì cần phải xem xét lại và nghiên cứu lại hoàn chỉnh.
Trả lờiXóa