Viễn
Nhân bàn về chủ đề “Thoát Trung” đang được các nhà “dân chủ” hô hào tích cực, mới đây một nhà “dân chủ” khác là Nguyễn Thanh Giang vừa có thêm một bài viết thể hiện cách tiếp cận hoàn toàn khác với các bác như Xuân Diện, Hoàng Hưng, Thùy Linh… Theo bác Nguyễn Thanh Giang không nên đặt vấn đề “Thoát Trung”, nói “Thoát Trung” là tự hạ thấp dân tộc mình. Viễn tôi thấy có nhiều điểm bác Nguyễn Thanh Giang viết có lý có tình quá nên trích dẫn ra đây để mọi người tham khảo cũng như xem như là một bài viết phản biện lại các quan điểm của các nhà “dân chủ” khác, nhất là những người phát biểu trong cuộc hội thảo “Thoát Trung về văn hóa trên diễn đàn Văn Việt”.
Để khẳng định cho quan điểm “thoát Trung” là sai lầm, bác Nguyễn Thanh Giang cắt nghĩa từ từ gốc:
“Thoát là gì? Từ điển Tiếng Việt giải nghĩa; Thoát là “ra khỏi nơi kìm hãm, nguy hiểm thoát chết trong gang tấc”. Thoát, muốn dịch ra tiếng Pháp phải dùng chữ sortir hoặc échapper. Muốn dịch ra tiếng Anh phải dùng một trong các chữ: to escape, to exit, to quit”
Bác khẳng định: “Thực tế, đã bao giờ chúng ta nhập vào đâu mà phải hò nhau thoát ra, đã bao giờ entrer đâu mà phải xin sortir. Và, việc gì mà phải escape”
Và với cách tiếp cận đó, bác Nguyễn Thang Giang phủ định các quan điểm sai lầm của những người phát biểu trong cuộc hội thảo “Thoát Trung” vừa rồi.
Bác xổ toẹt quan điểm của mấy ông “vơ đũa cả nắm”:
“Ông Hoàng Cao Khải chắc chắn không đúng khi nói: “Dân tộc Nam ta là Hán tộc không còn nghi ngờ gì nữa”.
Cũng không thể đồng ý với GS Nguyễn Văn Tuấn (Australia) trong bài “Một phiên bản của Tàu”:
“Nói “tương đồng” thì có vẻ oai, chứ Tàu nó chỉ xem Việt Nam chỉ là một phiên bản của họ. Chính vì thế mà các quan chức Tàu có thể hống hách và ngổ ngáo trong các tuyên bố như là lời phán của cha mẹ dành cho con. Việt Nam có vùng vẫy hay suy nghĩ gì thì Tàu cũng đoán trước được, vì Việt Nam chỉ học từ Tàu thôi, và đâu có thầy nào (nhất là thầy Tàu) mà dạy cho trò 100% sở trường. Sự lệ thuộc ngoại bang nó ghê gớm ở chỗ làm cho dân tộc không còn tự chủ và độc lập trong suy nghĩ, và người ngoài nhìn vào với ánh mắt khinh thường””
Và bác Nguyễn Thanh Giang nêu dẫn chứng từ các bậc tiền nhân:
Hãy nghe Nguyễn Trãi dõng dạc tuyên cáo:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Nguyễn Du thì từng dè bỉu Trung Quốc khi ông đi sứ ở bên ấy:
Hồn ơi! Hồn ơi! sao chẳng về?
Đông tây nam bắc không nơi tựa.
Lên trời xuống đất đều không ổn,
Đất Yên đất Dĩnh về làm chi?
Thành quách chẳng khác xưa nhưng lòng dân đã khác,
Bụi nhiều nhuốm bẩn dơ quần áo.
Đi ra thì xe ngựa, ở nhà thì vênh váo,
Ngồi bàn tán chuyện ông Quì ông Cao.
Không hề để lộ nanh vuốt ác độc.
Nhưng cắn xé người ngọt như đường!
Hồn có thấy cả trăm châu vùng Hồ Nam,
Toàn người gầy ốm có ai mập đâu.
(Bản dịch bài Phản chiêu hồn)
Nguyễn Trường Tộ cũng khẳng định:
“Nước ta trên cũng có trời che, tức thiên văn, dưới cũng có đất chở, tức địa lý. Trong khoảng trời đất, nước ta cũng là một đất nước tốt lành hẳn hoi, đâu phải một miền phụ dung của Tàu” (Bản tấu Về việc học thực dụng).
Nguyễn Thang Giang khẳng định rằng: “Cha ông ta chưa bao giờ chịu là một miền phụ dung, một phiên bản của Trung Quốc bởi vấn đề thoát Trung đã được đặt ra từ rất lâu. Không chỉ thoát mà còn chống, còn đánh. Không chỉ đánh cho …cút, đánh cho …nhào mà “Đánh một trận sạch sanh kình ngạc”, “Đánh cho dài tóc, đánh cho đen răng”. Đánh bằng quân sự, đánh bằng văn hóa. Mặt trận nào cũng quyết liệt, cũng dữ dội. Có thế ta mới còn được “Bốn ngàn năm ta lại là ta”
Và kết luận bài viết bác Nguyễn Thang Giang đã phê phán các ý kiến phát biểu trong cuộc hội thảo “Thoát Trung về văn hóa trên diễn đàn Văn Việt” vừa rồi là lộn xộn, ngớ ngẩn:
“Đọc một số bài viết, dự mấy buổi Hội thảo thấy ý kiến lộn xộn, ngổn ngang quá. Người thì cho rằng “Thoát Trung” chủ yếu phải là thoát về chính trị, về tư tưởng. Người lại bảo “Thoát Trung” về chính trị thật ra cũng là “Thoát Trung” về văn hóa, văn hóa quỳ lạy, văn hóa thảo dân, văn hóa giả dối … Người bảo muốn “Thoát Trung” phải diệt Cộng, người bảo muốn “Thoát Trung”, trước hết phải đổi tên Đảng …. Rồi hàng loạt câu hỏi nêu ra: “Thoát Trung” hay thoát Mác – Lênin?, “Thoát Trung” hay thoát Khổng Mạnh?, “Thoát Trung” hay thoát Hoa?, hay thoát Á?, hay là “giải Hán hóa”? vv…
Loanh quanh luẩn quẩn một hồi, có ý kiến như là tổng kết: “Rút cuộc, Thoát Trung là phải tự thoát” (Nguyễn Ngọc Lanh)”
Rõ ràng bác Nguyễn Thang Giang đã chỉ rõ được sự phi lý, ngớ ngẩn của các ý kiến của mấy vị “dân chủ” luôn miệng hô hào “Thoát Trung” vừa rồi.
Tôi hoàn toàn đồng ý với các ý kiến phản biện có lý có tình của bác Nguyễn Thang Giang. Rõ ràng bác đã vạch được bộ mặt giả nhân giả nghĩa của mấy vị dân chủ kia.