 |
Blogger Phạm Viết Đào |
Viễn
Thời gian gần đây trên mạng Internet thường xuất hiện một số blog mà cư dân mạng gọi là blog “lề trái”. Đây là những blog mà thường đưa ra nhiều thông tin khác với các thông tin trên báo chí chính thống mà phần lớn đó là các thông tin sai lệch thậm chí là xuyên tạc, bịa đặt. Điều đặc biệt là thông tin trên các Blog này thường tập trung phản ánh về các vấn đề chính trị xã hội nóng của đất nước hiện nay cũng như đời tư các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam nhưng lại theo cảm quan và lối suy nghĩ mang nặng tính chất chủ quan của chính chủ sở hữu các blog- các Blogger. Điển hình cho những blog dạng này là các blog như blog Một góc nhìn khác của Trương Duy Nhất, blog Phạm Viết Đào của Phạm Viết Đào , xuân diện hán nôm của Nguyễn Xuân Diện, blog Huỳnh Ngọc Chênh của Huỳnh Ngọc Chênh, blog anh ba sam của Nguyễn Hữu Vinh, blog Điếu cày của Nguyễn Văn Hải, blog Công lý và sự thật của Tạ Phong Tần… Trên những blog này các blogger đã đưa lên rất nhiều thông tin truyền tải tới người dùng Internet trong đó có không ít thông tin xuyên tạc, bịa đặt thậm chí có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và như một kết cục tất yếu những blogger vi phạm pháp luật đã phải chịu những sự chế tài của pháp luật như Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào… Một câu hỏi đặt ra là tại sao trong số họ có những người nguyên là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu… nhưng lại đánh mất “đạo đức” của người cầm bút để rồi phải vướng vào vòng lao lý. Theo cảm quan riêng của người viết thì có thể kể tới một số sai lầm của các Blogger này như sau:
Thứ nhất, các blogger này đã tự đề cao quá mức cái tôi cá nhân, tự huyễn hoặc về bản thân để rồi có cái nhìn sai lệch về các vấn đề và trượt dài vào con đường sai trái. Phải công nhận rằng trong những Blogger vừa kể tên ở trên có những người cũng có chút tài năng thực sự. Điển hình như Trương Duy Nhất từng là nhà báo, Phạm Viết Đào từng là nhà văn, dịch giả với những tác phẩm nổi tiếng. Nhưng cái sai lầm của họ là họ đã tự đề cáo quá mức tài năng của mình. Họ có tài thật nhưng liệu cái tài đó đã thật sự xuất chúng, thật sự là người “kinh bang tế thế”, là vĩ nhân không ai sánh bằng. Xin thưa những người này chưa vươn tới đủ tầm như vậy. Thế nhưng vì đề cao quá mức bản thân cho rằng mình là tài giỏi hơn người cho nên họ đã có cái nhìn hết sức ngạo mạn, xem thường tất cả mọi người. Điển hình như Trương Duy Nhất, anh không chỉ xem thường các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đương quyền như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, “yêu cầu các vị này từ chức ngay lập tức” mà anh còn xem thường cả chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dấn tộc, danh nhân văn hóa thế giới, vị Cha già kính yêu của dân tộc được toàn thể nhân dân Việt Nam và cả bạn bè quốc tế kính trọng. Từ đó anh viết nhiều bài trên blog thể hiện cái nhìn định kiến, thiếu khách quan, thổi phồng những mặt tiêu cực, yếu kém của đất nước mà phủ nhận sạch trơn những mặt tích cực, những thành tựu mà đất nước đang đạt được dưới vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Anh có tài nhưng liệu cái tài của anh đã đủ để anh coi thường hết tất cả mọi người, coi thường cả dân tộc mình như thế chưa. Tương tự như Trương Duy Nhất là Phạm Việt Đào. Anh cũng là con người có tài, đã từng một thời được công chúng biết đến qua các tác phẩm của mình. Thế nhưng vì quá đề cao cái tài của mình mà khi viết blog anh đã thể hiện cái nhìn lệch lạc, nặng về suy diễn chủ quan theo ý cá nhân. Anh viết về các vấn đề chính trị xã hội nhưng không mang tính khách quan mà nặng về suy diễn, bình luận chủ quan. Cách nhìn nhận các vấn đề của anh cũng mang nặng tính tiêu cực, anh chê bai hết vấn đề này đến vấn đề khác của đất nước. Thậm chí trong nhiều bài viết anh còn xuyên tạc, bịa đặt, thêm thắt các tình tiết khiến một bộ phận người dùng Internet khi đọc blog của anh đã có sự nhìn nhận không đúng về bản chất thật sự của các vấn đề anh nêu ra. Thên nên có người đã gọi anh là Phạm Viết Bừa. Cả Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào cũng như một số blogger qua các bài viết không đúng sự thật của mình đã gây ra những tác động tiêu cực nhất định cho xã hội và đất nước.
- Thứ hai, các Blogger này đã quá tin vào lời tâng bốc của các tổ chức, cá nhân không thiện cảm thậm chí thù địch nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước. Với bản chất chống đối, thù địch nhà nước Việt Nam, khi phát hiện ra Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Nguyễn Văn Hải… có xu hướng hoạt động lệch lạc, hoạt động tiêu cực theo hướng xâm hại lợi ích nhà nước, các tổ chức như Việt Tân-một tổ chức phản động trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đài BBC, RFA, RFI, VOA cũng như một số đối tượng chống đối nhà nước Việt Nam ở trong nước liền ca tụng, tâng bốc những blogger này như những nhà “dân chủ” đích thực, những anh hùng “kinh bang tế thế” có tài xoay chuyển càn khôn, như Kinh Kha nước Vệ… Vốn mang sẵn trong mình tư tưởng đề cao cái tôi cá nhân, nay lại được ca tụng, tâng bốc với những mỹ từ có cánh nên các Blogger này ngày càng trượt dài vào con đường lệch lạc, sai trái. Họ tích cực viết nhiều bài trên blog của mình, lúc đầu chỉ là theo hướng suy diễn vấn đề theo chủ quan cá nhân, dần dần chuyển sang thành xuyên tạc, bịa đặt các tình tiết, câu chuyện không có thật, Nhiều bài viết của họ đã thực sự trở thành những bài viết có nội dung tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam. Và mỗi một bài viết họ lại được các tổ chức, cá nhân thù địch nhà nước Việt Nam ca tụng, tâng bốc nên họ càng tích cực viết hơn và đánh mất chính bản thân mình lúc nào có lẽ ngay cả chính họ cũng không biết. Và đương nhiên đấy cũng là cái đích mà các tổ chức, cá nhân thù địch này nhắm tới khi mà lôi kéo được ngày càng nhiều người vào con đường chống đối nhà nước Việt Nam. Và thương thay cho các blogger này khi bây giờ họ phải vướng vào vòng lao lý còn các tổ chức, các nhân nói trên thì vẫn ung dung rung đùi vì thật ra họ đã đạt được mục đích thật sự của họ rồi.
- Sai lầm thứ ba của các blogger này phải kể đến đó là họ đã bán đạo đức, lương tâm, danh dự của mình một cách quá “rẻ mạt”. Tôi biết những người này khi viết những bài viết có nội dung gây tổn hại cho lợi ích của đất nước Việt Nam như thế thì ngoài những lời ca tụng, tâng bốc ở trên họ còn nhận được một số tiền do các tổ chức, cá nhân này gửi về dưới các danh nghĩa như “hỗ trợ”, “giải thưởng”… Tôi không biết số tiền họ nhận được có nhiều hay không nhưng rõ ràng với những việc làm của mình giờ đây họ sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Họ sẽ có những ngày dài không có quyền tự do, phải lao động cải tạo trong trại giam. Rồi danh dự vợ chồng, con cái họ cũng bị ảnh hưởng. Đau xót hơn những gì gọi là uy tín, tiếng tăm mà họ đã từng tạo dựng được như Phạm Viết Đào nay cũng hóa thành mây khói. Đúng như ông bà thường nói “đốn củi ba năm thiêu một giờ”. Tôi nghĩ với những gì mà các blogger này mất đi so với những gì mà họ nhận được từ các hoạt động chống phá nhà nước của mình thì rõ ràng cái giá như vậy là quá rẻ mạt. Họ đã bán đạo đức, lương tâm, danh dự của mình một cách quá dễ dãi và rẻ mạt. Rồi đây ai sẽ còn nhớ tới Phạm Viết Đào với tư cách là một nhà văn, một dịch giả có tiếng. Họ chỉ còn nhớ Phạm Viết Đào là một nhân vật có nhiều bài viết xuyên tạc, bịa đặt, không đúng sự thật làm tổn hại lợi ích của đất nước, dân tộc và toàn xã hội. Cái giá phải trả có lẽ quá đắt anh Phạm Viết Đào ạ.
Kết thúc bài viết này tác giả xin trích dẫn lại lời dạy của các bậc tiền nhân “Mua danh ba vạn bán danh ba đồng”. Mỗi một người khi viết Blog hãy giữ lấy đạo đức của mình, đừng vướng vào những sai lầm như anh Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Nguyễn Văn Hải… để rồi sau này ngàn đời các thế hệ con cháu vẫn còn nhắc tên như những “tội đồ”, là những kẻ phản bội lại chính cả quốc gia, dân tộc mình “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.